<bgsound src="/2011 Nhac Truyen Ngan.mp3"/> Le Dinh












Liên lạc tác giả:

LÊ VĂN PHÚC

Virginia
















































































































BÓNG THỜI GIAN



Trong văn chương Việt Nam, rất nhiều người thuộc “nòi tình”, như sẵn có cái “Gin” của tiền nhân để lại nên mới có được những nét hào hoa, thanh lịch, trữ tình, say hoa đắm nguyệt đến như thế! Kỳ này, chúng ta đi thăm một nhà thơ nữa trong thế giới thi ca Việt Nam: Chu Mạnh Trinh! Ông sinh năm 1862 tại làng Phú Thị, huyện Văn Giang ,tỉnh Hưng Yên. Thân phụ là Chu Duy Tĩnh, làm quan đến chức Ngự Sử. Chu Mạnh Trinh nổi tiếng thông minh, đậu tam giáp tiến sĩ, làm tới Án Sát Sứ các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Nguyên. Trong lãnh vực cầm, kỳ, thi, họa ông còn nổi tiếng là người tài hoa, phóng khoáng. Ông còn giỏi cả về khoa kiến trúc,thiết kế ngôi đền Đa Hòa tại quê ông và đứng ra vận động để xây dựng. Ông còn thiết kế chùa Thiên Trù (Chùa Trời) trong khu thắng cảnh Hương Tích. Là một vị quan công minh chính trực, có lần đã phạt roi một người Pháp cậy thế lộng hành. Sự nghiệp của Chu Mạnh Trinh nằm trong văn học sử Việt Nam với những thi phú ngâm vịnh, tỏ ra là một tâm hồn rộng mở trước thiên nhiên, trước những cảnh đời trôi nổi phong ba…







Ông có lòng hoài cổ, nhớ đến những chiến công hiền hách của người xưa nên đã cảm khái xưng tụng thượng tướng Trần Nhật Duật (1253-1330), đời nhà Trần lừng lẫy với chiến công, dẹp quân nhà Nguyên trong trận Hàm Tử ở tả ngạn sông Hồng. Cùng với các trận Tây Kết, Chương Dương, Vạn Kiếp, chiến thắng Hàm Tử là một chiến tích lẫy lừng trong lịch sử nước ta…

Sau đây là bài thơ “Hàm Tử quan hoài cổ” của Chu Mạnh Trinh:

Bãi dài, sông bỗng cắt ngang
Cửa quan Hàm Tử luênh loang bóng chiều
Khói mờ, cây rậm, bờ xiêu
Lầu hoang, thu lạnh, mây theo gió về…
Khóa then nhờ đất hiếm kia
Non sông muôn thuở khôn nhòa chiến công
Ngang ngọn giáo, khúc ca hùng
Hiên ngang nhớ thuở vẫy vùng tướng xưa…







Nhớ đến cuộc tình ngang trái, bi ai của Trọng Thủy - Mỵ Châu, ông cũng thương cảm mối tình lịch sử éo le. Một bên là nợ nước, phận sự của cha con; một bên là tình riêng giữa vợ chồng. Bên nào cũng nặng gánh ân tình, cũng thê thiết, đón đau. Chu Mạnh trinh có bài “Đề thơ trên vách miếu Mỵ Châu”:

Tình chồng vốn nặng, nghĩa cha sâu
Oan tỏ cùng ai, hận mãi đau
Móng chẳng còn thiêng, rùa đã tếch
Ngọc lưu vết lệ, bạng chìm sâu
Bia tàn cổ thụ, này sông núi
Bể biếc trời xanh, nọ mối sầu…
Ngoài điện An Dương, ngôi miếu lạnh
Trăng mờ, tiếng cuốc não canh thâu.

Chu Mạnh Trinh yêu thiên nhiên, ca tụng cảnh đẹp của thiên nhiên trong bài “Phong cảnh Hương Sơn”. Đây cũng là một bài đặc sắc để học sinh nhận thức được cảnh đẹp trên quê hương ta, qua thi tài của Chu Mạnh Trinh:

Bầu trời, cảnh bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nuớc, mây mây
« Đệ nhất động » hỏi là đây có phải ?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng!
Này suối Giải Oan, này chùa Cửu Võng
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quỳnh
Nhác trông lên ai khéo vẽ hình
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây
Chừng giang sơn còn đợi ai đây?
Hay tạo hoá sẽ ra tay sắp đặt?
Lần tràng hạt niệm: Nam Mô Phật!
Cửa từ bi công đức biết là bao
Càng trông phong cảnh càng yêu…







Ông cũng đọc truyện Kiều, nhận xét về các nhân vật và có thơ cảm đề về Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư và xót thương thân phận của Thúy Kiều đã bán mình chuộc cha, phụ với mối tình Kim Trọng.

Sau bao nhiêu năm luân lạc giang hồ, Thúy Kiều mới được giải oan trên sông Tiền Đường. Cuối cùng, nàng đã được quay lại với ngưòi yêu, nhưng mối tình cầm sắt không thành mà phải đổi ra cầm kỳ cho vẹn tình vẹn nghĩa…

Ông đã hoài cảm trong bài “Tổng vịnh truyện Kiều”:

Cuốn ngỏ rèm xuân trải mấy sương
Sắc tài chi lắm để làm gương
Công cha bao quản liều thân thiếp
Sự nước xui nên phụ với chàng
Cung oán nỉ non đàn bạc mệnh
Duyên may dun giủi lưới Tiền Đường
Hai bên vẹn cả tình cùng hiếu
Đem bắc đồng cân đáng mấy vàng.

Tổng vịnh Kiều hình như chưa đủ nên Chu Mạnh Trinh còn có một bài Vịnh Kiều rất dài và rất nổi tiếng, nên trong chương trình Việt Văn bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp, học trò nào cũng đã học qua.

Nhiều học sinh đã thuộc nằm lòng, mấy chục năm sau còn nhó rõ mồn một.

Bài này, nguyên tác chữ Hán nên đã có nhiều người dịch sang tiếng Việt. Nổi tiếng nhất vẫn là bản dịch của Đoàn Tư Thuật.

Ông là nhà văn, dịch giả, hiệu Mai Nhạc, sinh tại huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông. Hồi nhỏ, ông theo học chữ Hán, lớn lên theo phong trào Duy Tân ở Hà-Nội năm 1907-1908.

Khi phong trào bị khủng bố, ông bỏ thi cử, chuyên trước tác văn chương. Bản dịch Tựa tập Vịnh Kiều đã đăng trên Nam Phong Tạp Chí dưói bút hiệu Đoàn Qùy. Ông dịch “Tuyết hồng lệ sử” và soạn “Tỳ bà ký” cùng Nguyễn Khắc Hiếu (Nam Phong Tạp chí năm 1923). Sự tài tình, thấu đáo của dịch giả Đoàn Tư Thuật ít ai biết đến. Như trong bài tựa Vịnh Kiều, chúng ta chưa được nghe nói đến bản gốc Hán tự của Chu Mạnh Trinh. Thì đây, thí dụ nguyên tác của Chu Mạnh Trinh:

“Yên hoa thương khách, hà lai mãi tiếu chi kim,
Thanh giáo ngoại thần, chung trở qui hàng chi giáp”

Đoàn Tư Thuật dịch là:

Đâu đến nỗi son phấn mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười,
Mà chắc rằng biên thùy một cõi nghênh ngang, ai sui được anh hùng cởi giáp?”

thì rõ ra là bản dịch đã sát nghĩa mà hồn thơ còn được dịch giả làm cho nổi bật trong phong cách hiên ngang của khách biên đình! Thí dụ nữa:

“Bộc bản đa tình, cảm thân đồng điệu
Vị ngộ không hoa ư sắc giới, thiên lâu ảo mộng ư xuân trường”

Đoàn Tự Thuật dịch là:

“Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu
Cái kiếp không hoa lẩm cẩm, con hồn xuân mộng bâng khuâng…”

Chúng ta thấy tài dịch của Đoàn Tư Thuật thực tài tình, văn chương rất mực đã tiềm ẩn cả tâm sự của dịch giả với giai nhân, khiến cho câu thơ có một âm điệu du dương, ý tình mênh mang trầm bổng, diễn tả được ý thơ thật thanh thoát nhẹ nhàng… Sau đây là toàn bài dịch của Đoàn Tư Thuật:

Giả thử ngay khi trước Liêu Dương cách trở,
Duyên chàng Kim đừng dở việc ma chay, quan lại công bằng, án Viên Ngoại tỏ ngay tình oan uổng.
Thì:
Sắt cầm hảo hợp, cốt nhục đoàn viên
Đâu đến nỗi son phấn mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười,
mà chắc rằng biên thùy một cõi nghênh ngang, ai sui được anh hùng cởi giáp?
Thì sao còn tỏ được là:
Người thục nữ mà đủ đường hiếu nghĩa, tay đàn bà mà lại có cơ quyền.
Thế mới biết:
Người khôn thì hay gặp gian truân, chuyện đời khéo lắm trò quanh quẩn.
Con Tạo vốn thưong yêu tài sắc, nàng đã biết thế hay chưa?
Khách má hồng đừng giận nỗi trăng già, ta cũng khuyên lời phải chẳng.
Chỉ vì một nỗi:
Mối manh chưa có, - thề thốt đã nhiều
Trăng gió mắc vào, - phồn hoa dính mãi.
Cũng có người bảo:
Tại nước chảy mây trôi lỡ bước,- nên cành đưa lá đón quen thân,
Nào biết đâu bông hạnh nở ngoài tường, chưa để con ong qua tới,
Cho có muốn lưỡi dao liều với mạng, lại sợ thành cháy vạ lây.
Tấm lòng này như tuyết như gương, mối sầu nọ qua ngày qua tháng.
Ngọc kia không vết, giá liên thành khôn xiết so bì,
Nước đã trôi xuôi, hồn cựu mộng hãy còn vơ vẩn.
Bàn cho thực phải, tình cũng nên thương
Lại xem như:
Bút mực tài hoa, đoạn trường mười khúc, trúc tơ phong nhã, hồ cầm một trương.
Câu thần vẳng giọng tiêu tao, bóng ngọc tưởng chừng não nuột.
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh,
Vậy nên:
Khách chung tình say truyện phong lưu, trăm năm cũ còn ghi tên tuổi hão,
Người chép sách tiếc vì tài sắc,
Nghìn thu sau còn nhặt phấn hương thừa.
Than ôi!
Một bước phong trần, mấy phen chìm nổi
Trời tình mờ mịt, biển giận mênh mông,
Sợi tơ mành theo gió đưa đi, cánh hoa rụng chọn gì đất sạch!
Ai dư nước mắt, khóc người đời xưa?
Thế mà:
Giống đa tình luống những sầu chung, giọt lệ Tầm Dương chan chứa,
Lòng cảm cựu ai sui thương nhớ, nghe câu ngọc thụ não nùng.
Cho hay danh sĩ, giai nhân, cùng một kiếp hoa nghiêm nặng nợ
Ngán nỗi non xanh đất đỏ, để riêng ai lưu lạc đau lòng.
Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu,
Cái kiếp không hoa lẩm cẩm, con hồn xuân mộng bâng khuâng
Đã toan đúc sẵn nhà vàng, chờ người quốc sắc,
Lại muốn mượn chùm phương thảo, hú viá thuyền quyên.
Sẵn bút nghiên chia vịnh từng hồi, đem sự tích tóm làm một tựa.
Bây giờ kể còn dài chưa hết, hạt ba tiêu nghe thánh thót mưa thu,
Hỡi ôi! Hồn có biết hay chăng, bóng hoàn bội tưởng ra vào Lạc phố!

Đó là bản dịch của Đoàn Tư thuật. Sau này, tôi mới biết là Lãng Nhân cũng có một bản dịch Vịnh Kiều. Cụ cho tôi bản dịch ấy nhưng nói rằng:

- Bản dịch của tôi không văn hoa, bóng bẩy, du dương như bản dịch của Đoàn Tư Thuật và cũng không được phổ biến rộng rãi trong chương trình trung học Việt Nam. Chủ đích của tôi là dịch sát nghĩa để người đọc có thêm tài liệu so sánh giữa hai lối dịch. Thôi, xin để chú tùy nghi xử dụng…

Nay nhân dịp bàn về thơ văn của một vài tác giả trong thi đàn nên tôi mạn phép giới thiệu Lãng Nhân với độc giả.

Lãng Nhân là người am tường sâu sắc Hán văn và Pháp văn nên sở học của cụ rất vững vàng và rộng rãi. Với gần 20 tác phẩm đã ấn hành, chưa kể những bài viết trên các báo chí, tên tuổi của cụ đã được ghi trong lịch sử văn học Việt Nam.

Về bản dịch Vịnh Kiều, chúng ta sẽ thấy dịch gỉả không ghi lại nhiều điển tích, lời dịch cũng không bóng bẩy, dư dương nhưng rõ và sát nghĩa để hiểu được tình ý của tác giả Chu Mạnh Trinh.

Lãng Nhân mất năm 2008 tại Anh quốc, hưởng thọ 101 tuổi.

Xin mời bạn đọc thưởng thức bản dịch của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc:

Ví thử:
Gắn bó tự ngày trao quạt, tang Liêu Dương đừng lỡ hẹn duyên hài,
đặt bày do gã bán tơ, án Lôi quận giải ngay niềm oan khuất.
Ắt là:
Sắt cầm êm ái, cốt nhục xum vầy,
Ngọc biếc vẫn lành, thoa vàng không gẫy.
Lả lơi hoa rượu, khách làng chơi đâu được dịp mua cười,
Ngang dọc biên thùy, tay cung kiếm há thua cơ bó giáp ?
Thì sao thấy được :
Chốn khuê các đã đủ điều hiếu hạnh,bạn quần thoa mà biết lẽ kinh quyền.
Mới hay :
Việc đời khuất khúc, chuyện mới ly kỳ, cảnh ngộ éo le, nét càng tỏ rõ.
Nàng đã thừa hiểu : Từ xưa trẻ Tạo lân tài,
Ta lại nhủ cùng : đâu phải má hồng đều tủi phận.
Chỉ vì :
Chưa mối manh, đã vội thề bồi, mắc trăng gió mới thành hư hỏng.
hoặc lại bảo : Nước chảy mây bay quen mất nết,
hóa cho nên lá đưa cành đón dễ hư thân !
Nào biết đâu :
Nhị vẫn phong hương, chẳng để bướm ong thông được lối.
Dao toan cắt hận, những e ao cá cháy thành than.
Mài mảnh gương soi rõ tấm băng trinh, ôm nỗi khổ gắng qua ngày tủi nhục.
Ngọc không mảy bợn, há thua đâu giá trọng liên thành,
nước dẫu trôi xuôi,vẫn nhớ đến mối tình cựu phố.
Ví muốn bàn cho thấu đáo, cũng nên xét đến tâm tình.
Huống chi :
Bốn giây gió thảm mưa sầu, phả thiên bạc mệnh,
mười vận hoa thếm gấm dệt, chiếm giải đoạn trường.
Những nghe đã xót xa lòng, tưỏng đến càng mê mẩn bóng.
Hoa đành thua vẻ, liễu muốn ghen mầu.
Hội phong tao đất Bắc nên trung, khóc cười phải điệu,
Nét son phấn miền Nam đáng bậc, đậm nhạt ưa nhìn.
Vậy nên những khách tài hoa chẳng ngại đề tên họ bên chéo quần tay áo,
lại khiến ngàn năm ghi chép, không nề nhật phong lưu nơi phấn sót hương thừa
Than ôi !
Mới lọt vào một kiếp phong trần, đã vương lấy bao phen oan nghiệt.
Trời tình u uất, biển hận vơi đầy
Sợi tơ mành phó mặc gió bay, cánh hoa rụng sá gì bùn lội.
Từ trước đã dư ngưòi hoài cảm, sao nay còn hận nỗi thương tâm ?
Ấy cũng vì :
Tiéng tỳ bà nghe lắng đêm trăng, áo xanh dễ đầm giọt lệ,
Khúc ngọc thụ vẳng qua mặt sóng, tóc bạc thêm đượm màu sương.
Cho hay danh sĩ giai nhân, nợ sau trước cũng âu người một hội,
dẫu ở non xa nước lạ, kiếp sống hờ không thoát hận ngàn thu.
Ta vốn đa tình, luống thương đồng điệu.
Cõi Sắc hoa Không chưa giác ngộ, đài xuân giấc bướm vẫn mơ màng.
Cỏ mỹ nhân một bó u hoài, hồn thơm có thấu ?
Toà kim ốc những hằng vọng tưởng, vóc ngọc còn đâu ?
Sẵn bút hoa tả mối sầu tư, đem truyện cũ chia hồi tưởng vịnh.
Giãi mãi mà ân tình chưa dứt, giọt mưa dêm còn thánh thót bên khách song,
Thiêng chăng thì hiển hiện cho xem, bóng người đẹp chừng nhởn nhơ nơi lạc Phố…

Chu Mạnh Trinh đã ra đi khi còn quá trẻ, ở tuổi 43 (1905) !
Nhưng sự nghiệp lẫy lừng và thi tài của Chu Mạnh Trinh thì phải nói là hiếm hoi trong lịch sử văn học nước nhà !



LÊ VĂN PHÚC

Virginia, 2011














Free Web Template Provided by A Free Web Template.com
  �